Lười việc chân tay - thích sự động não
Thế nào là các chú kiến “lười”?
Các nhà sinh vật học Trường Đại Học Hokkaido Nhật Bản tiến hành nghiên cứu quan sát các hoạt động của một nhóm gồm 30 con kiến đen. Kết quả phát hiện ra rằng đa số các chú kiến rất cần mẫn với các công việc tìm kiếm và mang thức ăn về tổ. Còn số ít trong chúng ngược lại suốt ngày chẳng làm gì, chỉ nhìn ngó xung quanh. Họ đặt tên cho chúng là các “chú kiến lười”.
Điều thú vị là khi các nhà sinh vật học ghi kí hiệu để tiện việc theo dõi lên mình các “chú kiến lười” này và sau đó thì triệt bỏ các nguồn thức ăn của chúng. Các chú kiến thường ngày siêng năng bỗng trở nên ngơ ngác chẳng biết làm gì, còn các “chú kiến lười” lại xuất đầu lộ diện dẫn đoàn của chúng đến những địa điểm mới có thức ăn mà trước đó chúng đã sớm phát hiện ra.
Thì ra các “chú kiến lười” này đã dùng phần lớn thời gian của mình vào việc trinh sát và nghiên cứu. Chúng có khả năng quan sát được điểm yếu của bầy đồng thời đảm bảo việc tìm ra các nguồn thức ăn mới cho cả bầy không bị gián đoạn. Đây chính là cái gọi là “Hiệu ứng kiến lười” – lười việc chân tay, thích sự động não.
Tựu chung lại, trong bầy kiến thì những “chú kiến lười” càng có vai trò quan trọng. Và trong một công ty, người có khả năng chú ý quan sát, nghiên cứu, phân tích và nắm bắt thị trường cũng có vai trò quan trọng hơn.
Các ví dụ về các “chú kiến lười”.
Chery – hãng xe hơi mới xuất hiện trên thị trường Trung Quốc mấy năm gần đây, lấy việc nghiên cứu độc lập làm năng lực cốt lõi để cạnh tranh với các hãng xe hơi khác. Ban đầu đội ngũ nghiên cứu của Chery chủ yếu là các “chú kiến lười” bị các hãng khác sa thải. Khi đó, một số hãng xe hơi tập trung vào việc gia công lắp đặt nhằm thu lợi nhuận trước mắt cho nên các “chú kiến lười” có vẻ không thích làm việc chân tay của họ bị cho nghỉ việc. Tuy nhiên thị trường lần nữa chứng minh hiệu quả của các chú kiến lười rằng nếu một công ty muốn phát triển lâu dài thì cần phải xem trọng và bồi dưỡng các “chú kiến lười”. Hãng xe Chery hiện có trên 200 nhân viên nghiên cứu phát triển.
Hầu hết các công ty đều tập trung đầu tư vào những việc dễ thấy trước kết quả mà quên việc nên nuôi dưỡng vài “chú kiến lười”. Thường các “chú kiến lười” này rất giỏi về khả năng phát triển công ty, nắm bắt chính sách và pháp luật nhà nước và nắm bắt đại cục. Những “chú kiến lười” này ngày thường có vẻ ít tác dụng, đến lúc quan trọng họ mới thể hiện được vai trò quan trọng của mình. Người xưa có nói “một người biết lo bằng một kho người biết làm” chính là muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những “chú kiến lười” này.
Xác định những “chú kiến lười” trong một công ty
Việc tuyển dụng và dùng người tài cần phải xác định rõ đặc điểm và loại hình nhân tài cho một vị trí công việc xác định rồi sau đó mới có thể dùng họ một cách hợp lý nhằm giúp họ thi thố tài năng để họ phát triển bản thân đồng thời đóng góp cho sự phát triển của công ty.
Vậy trong một xí nghiệp, nhân viên nào là các “chú kiến lười”? Theo Lepak và Snell, nhân viên trong một công ty có thể phân thành bốn loại bao gồm các nhân viên cốt lõi, nhân viên độc đáo, nhân viên bình thường và nhân viên hỗ trợ. Theo họ, nhân viên cốt lõi là nhân viên thiên về việc động não để tạo ra giá trị cho công ty hơn là làm việc chân tay. Các nhân viên cốt lõi này có đặc điểm giống như các “chú kiến lười”. Mà trong bốn loại nhân viên này thì nhân viên cốt lõi chính là các nhân tố quan trọng tạo ra năng lực cốt lõi cho công ty. Vậy theo Lepak và Snell thì các nhân viên cốt lõi trong một công ty chính là các “chú kiến lười”.
Ý nghĩa của lý thuyết “hiệu ứng kiến lười”
Hiệu ứng kiến lười cho ta thấy rằng trong một tổ chức cần phải được phân công công việc hợp lý. Người nào việc nấy. Cũng ám chỉ rằng cần căn cứ vào những yêu cầu của một vị trí mà tuyển người phù hợp. Như thế mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho tổ chức
Hoàng Cường cung cấp -Theo wiki.mbalib.com